
24 Jun Bitfinex Alpha | Bitcoin có trụ vững trước bất ổn toàn cầu?
Thị trường crypto chao đảo tuần qua khi làn sóng bán tháo và các lệnh thanh lý bắt buộc lan rộng trên các sàn lớn, khiến Bitcoin giảm hơn 11,5% so với đỉnh tháng 5. Riêng các lệnh long bị thanh lý đã vượt 400 triệu USD trong ba ngày liên tiếp – điều hiếm gặp, cho thấy tâm lý thị trường đảo chiều mạnh. Tuần lễ khởi đầu tích cực nhanh chóng biến thành một trong những tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 1, khi các yếu tố vĩ mô như giá dầu tăng, lo ngại đình lạm và căng thẳng địa chính trị dâng cao, khiến giới đầu tư hoảng loạn và áp lực bán tăng mạnh.
Tổng giá trị thanh lý toàn thị trường vượt 2,6 tỷ USD, với các altcoin như ETH và SOL lao dốc hơn 20%. Tuy nhiên, giữa làn sóng hoảng loạn, các quỹ ETF Bitcoin giao ngay ghi nhận dòng tiền ròng vào tới 1,02 tỷ USD – cho thấy niềm tin ngày càng lớn từ tổ chức. Nhu cầu ổn định này giúp giữ giá BTC trong vùng rộng 94K–110K USD, dù thị trường phái sinh đang trong quá trình giảm đòn bẩy mạnh. Khối lượng mở đã giảm về mức lành mạnh hơn và các chỉ số funding rate dần ổn định. Diễn biến sắp tới sẽ phụ thuộc vào việc dòng vốn ETF có tiếp tục hay không – hoặc liệu hỗ trợ này có bị phá vỡ, báo hiệu tâm lý thị trường sẽ chuyển biến tiêu cực hơn.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ nguyên lãi suất trong tháng 6, nhưng bày tỏ lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát dai dẳng và áp lực chính trị. Chủ tịch Powell cảnh báo rằng các chính sách thuế mới có thể khiến giá tiêu dùng “tăng đáng kể” do doanh nghiệp chuyển chi phí sang người tiêu dùng, củng cố quan điểm thận trọng của Fed.
Căng thẳng ở Trung Đông, đặc biệt tại eo biển Hormuz – tuyến đường dầu mỏ chiến lược – đang khiến thị trường dầu toàn cầu bất ổn. Chi phí vận chuyển tăng vọt, hoạt động tàu chở dầu giảm mạnh là những tín hiệu rõ ràng về sự lo lắng của thị trường. Nếu tình hình leo thang, giá dầu có thể tăng mạnh. Giá xăng tương lai đã tăng đáng kể, gây áp lực lên chi tiêu tiêu dùng và đặt các ngân hàng trung ương vào thế khó: hoãn giảm lãi suất hoặc chấp nhận rủi ro lạm phát kéo dài.
Về phía người tiêu dùng, doanh số bán lẻ tháng 5 giảm 0,9%, chủ yếu do ô tô, xăng và ăn uống sụt giảm. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ lõi vẫn tăng, cho thấy chi tiêu tùy ý vẫn ổn định. Các doanh nghiệp, dự đoán thuế nhập khẩu tăng, đã tích trữ hàng sỉ từ cuối 2024, nhưng kệ hàng bán lẻ vẫn thiếu hàng. Khi các nhà bán lẻ nhập hàng trở lại với chi phí cao hơn – đặc biệt trước mùa lễ cuối năm – một làn sóng lạm phát thứ hai có thể xảy ra. Giá dầu tăng, chi phí nhập khẩu cao và nhu cầu tái nhập kho theo mùa có thể đẩy lạm phát tăng trong mùa thu, khiến lộ trình giảm lãi suất của Fed thêm phức tạp.
Báo cáo tài chính của Donald Trump năm 2024 cho thấy ông kiếm hơn 600 triệu USD, phần lớn từ các dự án liên quan đến crypto như đồng $TRUMP và World Liberty Financial. Sự dấn thân sâu vào crypto, bất động sản và thương hiệu toàn cầu của ông gây tranh cãi vì ranh giới mờ nhạt giữa kinh doanh và chính trị.
Trong khi đó, Việt Nam vừa thông qua một đạo luật quan trọng, chính thức công nhận tài sản số từ năm 2026, kèm theo các chính sách ưu đãi để thu hút đổi mới blockchain, hướng đến trở thành trung tâm công nghệ khu vực. Ở chiều ngược lại, sàn giao dịch lớn nhất Iran – Nobitex – bị tấn công mạng mang động cơ chính trị, khiến thiệt hại lên tới 100 triệu USD, cho thấy mức độ liên quan ngày càng sâu giữa crypto và các xung đột toàn cầu.
Đừng quên theo dõi cộng đồng Bitfinex Vietnam tại Telegram, Twitter & Facebook để cập nhập các bài viết, thông tin & sự kiện sớm nhất nhé!